Các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam
- Posted by indochinaresearch
- On September 29, 2021
Sự gia tăng của các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam
Trong khi Việt Nam đang phải tiếp tục đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất từ trước tới nay, nền kinh tế vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong năm 2021. Do vậy, các khoản đầu tư cá nhân vẫn tiếp tục được thực hiện, và thị trường chứng khoán nổi lên như một kênh đầu tư phổ biến nhất đối với các nhà đầu tư cá nhân.
Dynam Capital đã tiến hành tìm hiểu về đặc điểm của các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam và kết hợp với Indochina Research – một công ty nghiên cứu thị trường độc lập – thực hiện đợt nghiên cứu đầu tiên vào tháng 8 năm 2021. Một nửa số người được hỏi là các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán ít hơn một năm trước – được biết với cái tên là nhà đầu tư F0.
“Chúng tôi thực sự tin rằng khi các nhà đầu tư có thêm nhiều thông tin và dữ liệu đáng tin cậy phản ánh đúng tình hình của thị trường, thì tiềm năng của Việt Nam sẽ được đánh giá chính xác hơn và thu hút được nhiều khoản đầu tư nước ngoài hơn. Chúng tôi rất mong đợi đợt nghiên cứu tiếp theo khi nhiều người tham dự vào khảo sát hơn để củng cố kết quả và cập nhật thông tin thường xuyên về hành vi của các nhà đầu tư cá nhân cho cộng đồng”
Trích lời ông Xavier Depouilly, Giám đốc Điều hành của Indochina Research Vietnam.
Trong số 425 người tham gia khảo sát, chỉ có 193 câu trả lời thỏa mãn điều kiện và được phân tích đầy đủ. Khảo sát cho thấy các nhà đầu tư cá nhân trong nước, chủ yếu đến từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, với tỷ lệ cân bằng giới tính là 55% nữ và 45% nam. Hầu hết những người được hỏi là nhân viên văn phòng (53%), với thu nhập cá nhân trung bình hàng tháng là 1.170 USD và giá trị danh mục đầu tư trung bình là 18.000 USD. Như vậy có nghĩa là hầu hết các nhà đầu tư cá nhân được khảo sát đều nằm trong nhóm thu nhập trung bình – cao của hai trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước.
Kết quả khảo sát cũng chỉ rõ cách các nhà đầu tư chứng khoán phân bổ khoản đầu tư của họ, với 35% dành hơn 50% số tiền của họ đầu tư vào cổ phiếu và một tỷ lệ nhà đầu tư tương tự (35%) đầu tư lên đến 4.500 đô la (lên đến 100 triệu đồng).
Ngoại trừ cổ phiếu thì gửi tiết kiệm ngân hàng, bất động sản và các sản phẩm bảo hiểm là những kênh đầu tư được lựa chọn nhiều nhất. Một điểm thú vị là vàng truyền thống chỉ được lựa chọn đầu tư bởi 15% đáp viên, trong khi cứ 2 trong số 10 nhà đầu tư sẽ lựa chọn giao dịch tiền điện tử.
Đa số các nhà đầu tư rất chủ động, họ kiểm tra chỉ số thị trường chứng khoán nhiều lần trong ngày (84%) và 54% giao dịch ít nhất một lần mỗi tuần.
Khi phân tích sâu hơn, kết quả nghiên cứu cũng mô tả sự khác biệt đáng kể giữa các nhà đầu tư F0 và F1 +. Các nhà đầu tư F0 có giá trị danh mục đầu tư trung bình thấp hơn (11.000 đô la so với 24.500 đô la cho F1), có xu hướng đầu tư lướt sóng hơn và nắm giữ cổ phiếu ngắn hơn, và nhìn chung có kỳ vọng về lợi tức đầu tư vào cổ phiếu thấp hơn các nhà đầu tư F1 với nhiều kinh nghiệm hơn.
Thị trường đã cho thấy những dấu hiệu tích cực khi hầu hết các nhà đầu tư (80%) chia sẻ họ đã có lãi trong năm qua, nhất là với các nhà đầu tư F1 (88%), và 59% tự tin rằng thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng hơn 5% từ bây giờ tới cuối năm, bất chấp việc dịch Covid đang bùng phát.
6 trong số 10 nhà đầu tư (63%) đầu tư chứng khoán để kiếm thêm nguồn thu nhập phụ, nhất là các nhà đầu tư F0 (71%). Đây cũng là lí do đầu tư phổ biến nhất. Khoảng 10% coi đầu tư chứng khoán là kế hoạch đầu tư dài hạn hoặc chuẩn bị cho nghỉ hưu.
Các nhà đầu tư F0 cũng không cô đơn
Theo báo chí địa phương, 842.405 tài khoản chứng khoán đã được mở trong tám tháng đầu năm nay, nhiều hơn số tài khoản mới trong ba năm qua cộng lại. Lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn ở mức thấp khiến cho mọi người ngày càng đổ xô vào cổ phiếu. Tính đến tháng 6, đã có 3,4 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân tại Việt Nam.
Việt Nam cũng được ví như Đài Loan về tiềm năng tăng trưởng thị trường chứng khoán. Hiện có khoảng 3% dân số Việt Nam có tài khoản môi giới chứng khoán cá nhân, tương tự như con số của Đài Loan năm 1986. Đài Loan đã trải qua một đợt tăng thị trường chứng khoán kéo dài hàng thập kỷ, và Việt Nam hiện nay cũng đang có những chỉ số kinh tế tương tự. Chính phủ Việt Nam cũng kỳ vọng tăng trưởng hơn nữa, với mục tiêu tăng tỷ lệ thâm nhập môi giới chứng khoán lên 5% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030.
Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán ở Việt Nam là rất nhanh chóng. Giá trị thị trường của các công ty giao dịch đại chúng đạt gần 300 tỷ USD vào năm 2021, tăng từ mức 2 tỷ USD vào năm 1996 khi các quỹ đầu tư như Vietnam Holding (VNH) niêm yết tại London bắt đầu hoạt động. Điều này đã tạo ra nguồn tiền cho một số nhà đầu tư trong nước mới, và các nhà đầu tư dài hạn – chẳng hạn như những nhà đầu tư trong VNH – đã thấy lợi nhuận kép 15% mỗi năm trong thập kỷ qua, theo dữ liệu công khai.
Tuy nhiên, bất chấp sự tăng trưởng và thanh khoản trên thị trường chứng khoán (cao thứ hai trong ASEAN), đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm thị trường cận biên. Ít nhất là ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư trong nước đang chiếm ưu thế và dường như được hưởng lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng và phát triển của nó.
Được viết bởi Michael Tatarksi
Vui lòng truy cập tại đây để xem báo cáo phiên bản PDF và dashboard
Để xem các báo cáo khác của chúng tôi, truy cập tại đây
Hãy kết nối với chúng tôi qua Facebook fanpage
Hãy liên hệ với chúng tôi nếu bạn cần thực hiện các dự án nghiên cứu tại khu vực Đông Nam Á
[email protected].
Indochina Research, Regional know-how you can trust!
0 Comments